huy
by on June 29, 2017
940 views

Ngày lễ Father's Day 2017 - Chị Bảy


Ngày lễ Father's Day 2017, tôi ở Mỹ không đi tiếu ngạo giang hồ, nên Thông con trai tôi từ Austin về San Antonio đưa tôi đi ăn cơm tối.
 

Từ trái qua: bà Henry Roberts, Tim con trai ông bà Roberts, ông Henry Roberts, Thông, Thái, Cindy con gái ông bà Roberts.

 

Từ trái: Talia bạn của Thông, Thông, Cindy, Mrs Roberts, Mr Roberts, Thái. 

 

Tôi và Thông mời gia đình ông bà Roberts đi ăn tối trong ngày lễ Father's Day trọng đại nầy. Năm 1975 tôi quen ông bà Roberts qua ông bà Thiếu Tá Không Quân Mỹ Henry Albright, sponsor của gia đình chúng tôi. Ông bà Albright già qua đời hết rồi.

 

Năm 1975 lần đầu gặp chúng tôi, ông bà Roberts có cãm tình và nhận chúng tôi làm con nuôi. Lúc bây giờ ông Roberts là kỹ sư điện tử, làm tình báo cho Không Quân Mỹ ở căn cứ Không Quân Kelly AFB ở San Antonio. Ông Roberts năm nay 92 tuổi. Trí nhớ ông bà còn minh mẫn.

 

Năm 1975 mới qua Mỹ, chúng tôi nghèo xơ xác, làm lại cuộc đời từ số 0. Mỗi ngày lúc 5:30 sáng tôi rời nhà đi học đại học về computer programmer. Xong lớp học lúc 11:00, tôi vào thư viện học bài cho đến 12:00. Sau đó tôi đến nhà máy làm bánh, để lau nhà từ 12:30 chiều đến 10:00 đêm. Lúc tôi đi con tôi còn ngũ, lúc tôi về con tôi đã ngũ rồi. Tôi chỉ thấy mặt con ngày Chũ Nhật. Lúc bây giờ bà xả tôi chưa biết tiếng Mỹ, ở nhà trông con nhỏ.  

 

Những ngày đầu tiên, ông Albright đề nghị tôi mua xe đạp để làm phương tiện di chuyển, tôi làm thinh nhưng sợ thất kinh. Vì Mùa Đông nước đông đá, tuyết rơi, lạnh thấu trời đất thì làm sao tôi đạp xe đạp nổi! 

 

May quá ông Roberts cho tôi chiếc xe hơi Rambler củ. Trời, được chiếc xe hơi củ, đáng giá $200USD, mà tôi quý hơn chiếc xe Lexus LS460 của tôi bây giờ. Tôi không bao giờ quên ơn ông Roberts. 

 

Lúc 14-15 tuổi tôi đã từng ăn cắp xe hơi Vedette Versailles to chần dần của Ba tôi, lái từ Thũ Thừa Long An đi xuống nhà của anh Đại Tá Không Quân Lê ngọc Duệ ở Chợ Gạo Mỹ Tho chơi với mấy cô em của anh Duệ. Xe Vedette nầy số tay, mỗi lần lái xuống phà Chợ Gạo, phà nầy kéo dây bằng tay, nhỏ hẹp vừa bằng chiếc xe Vedette, nên hai đầu gối tôi run, sợ thấu trời! Nhưng nhờ những lúc liều mạng ăn cắp xe hơi số tay đi chơi nầy, qua Mỹ xe số tay giúp tôi ngay phút đầu!

 

Xe Rambler củ của tôi là loại số tay, đúng chỉ số của tôi rồi. Tôi tự học luật đi đường của Mỹ qua sách, rồi tôi đi thi bằng lái xe, ông cảnh sát Mỹ đen thấy tôi lái xe số tay nghề quá, ông cho tôi đậu liền lần đầu! Tôi mừng hết lớn, vậy là gia đình tôi qua Mỹ, chưa hề biết đi bộ, đi xe bus! Đó là nhờ ông Roberts.   

 

Một kỹ niệm buồn uất nghẹn lồng ngực tôi. Đầu năm 1978, tôi còn nghèo. Nệm xe Rambler bằng Vinyl bị rách, tôi mua miếng Vinyl mới, dùng keo dán vô nệm làm nệm mới. Tôi đang dán nệm xe, thì bà xả tôi chạy ra báo tin từ Việt Nam, Ba tôi mất! Tôi ngồi khóc một mình trong xe đã luôn. Tôi biết trước việc nầy sẽ xảy ra, nên giờ chót trước khi vội vã chuẩn bị rời Việt Nam, tôi đưa bà xả về trải chiếu lạy Ba Má tôi. Tôi xin Ba Má tha cho vợ chồng tôi tội bất hiếu, vì ngày tuổi già của Ba Má sẽ không có mặt vợ chồng tôi. Rồi tôi cũng lạy y như vậy cho Ba Mạ bà xả, lúc bây giờ ông bà và nguyên gia đình từ Đà Lạt về ở trong nhà tôi. Từ giã cha mẹ hai bên xong, tôi đưa bà xả vô ở luôn trong phi đoàn. Sau đó không lâu, căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất tan hàng và chúng tôi rời Việt Nam bằng máy bay trong hỗn loạn! 

 

Tôi đi làm cu li với lương $8 USD/1giờ, lương nầy khá to vào năm 1975, nhưng job nầy Mỹ đen chê vì cực thấu trời. Cuối năm 1978, tôi có dư tiền để đặt cọc mua nhà tôi bây giờ. Tôi mua chiếc xe hơi Ford củ khá hơn chiếc Rambler với giá $1000 USD, và tôi trả chiếc Rambler lại cho ông Roberts. Tôi không quên cám ơn ông Roberts hết lời. 

 

Cuối năm 1978 tôi tốt nghiệp đại học. Đầu năm 1979 tôi xin được job làm Computer Programmer cho USAA, hảng bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, sinh mạng cho quân đội Mỹ toàn thế giới và chỉ quân đội thôi. Sau 20 năm, tôi về hưu USAA, rồi tôi làm cho nhà bank World Savings thêm 10 năm thì tôi về hưu lần thứ 2.  

 

Ôi! Sau 42 năm sống ở Mỹ, bao nhiêu thay đổi, ông bà Henry Albright và ông bà Henry Roberts mà vợ chồng tôi gọi bằng Daddy và Mommy, giờ thì chỉ còn Daddy & Mommy Roberts, vợ chồng tôi thì chỉ còn một mình tôi! Có sống ở Mỹ, mới thấy hết lòng tốt của người Mỹ. Lòng thương người của người Mỹ bao la vô bờ bến. 

 

Năm rồi, có một lần tôi đang ăn trong một nhà hàng ở Sàigòn, tình cờ tôi gặp một cặp vợ chồng người da trắng bước vô nhà hàng. Người nhà hàng gặp trở ngại nói tiếng Anh với khách, nên tôi nhảy vô làm thông dịch, nhờ vậy tôi biết cặp vợ chồng da trắng nầy người Mỹ. 

 

Ăn xong, tôi kêu nhà hàng tính tiền và tính tiền luôn bàn của hai người Mỹ. Trả tiền xong, tôi bước qua bàn hai người Mỹ và tôi cho họ biết thật là một niềm vui không tả được, khi tôi gặp họ tại quê hương tôi, nơi thành phố mà tôi sinh ra và lớn lên. Tôi cho họ biết, năm 1975 tôi qua Mỹ với hai bàn tay trắng, tôi như người bị rơi giữa biễn, rồi chính người Mỹ đã quăng phao cứu tôi. Ơn nầy không bao giờ tôi quên. Hôm nay tôi xin phép hai ông bà cho tôi trả tiền bửa cơm của hai ông bà. Bửa cơm nầy không đáng gì, nhưng tôi muốn hai ông bà biết rằng người Việt Nam tị nạn chúng tôi vẫn nhớ ơn người Mỹ. Tôi thấy mắt người đàn bà hoe lệ. Lòng tôi lúc bây giờ nhẹ nhõm vui vui, vì tôi đã làm được một việc mà tôi mong chờ lâu nay. 

Posted in: Education, Family & Home
Be the first person to like this.